Giáng sinh không chỉ là mùa mua sắm ở nước ngoài mà nó cũng là thời điểm các doanh nghiệp ở Việt Nam bán hàng rất tốt, đặc biệt là thị trường điện tử. Khi mà năm hết tết đến, có lẽ bạn cũng đã sẳn sàng mua cho mình một chiếc TV mới.
Sau đây là lời khuyên từ Macworld, những điều cần biết khi bạn có ý định mua một chiếc HDTV mới. Trước đây Tinh Tế cũng đã có một bài viết về việc chơi phim HD, tuy khá cũ nhưng nó vẫn còn có giá trị tham khảo tại đây.
Các TV độ phân giải cao bắt đầu được phổ biến trong khoảng thời gian 2 năm gần đây cho dù những sản phẩm với độ phân giải 1080p vẫn được coi là cao cấp. Các TV đèn nền LED cũng đã phổ biến hơn, giá cũng dể chịu hơn ngày xưa.
Cách đây khoảng vài năm thôi, khi công nghệ đèn nền LED được Sony đưa ra thì một chiếc TV 46 inch LED có giá vào khoảng 5000$. Hơn nữa, các thiết bị TV mới cũng có nhiều tính năng hơn, chẳng hạn như kết nối không dây, xem video trực tuyến, xem hình, nhạc, tích hợp hàng loạt các cổng HDMI, component……
3D hay không 3D
Có lẽ đây là điều cần quan tâm đầu tiên. Khi mà 3D nổi lên như một xu hướng mới trong năm nay thì giá thành của TV 3D cũng giảm rất nhiều so với thời điểm chúng ra mặt. Tuy nhiên, so với giá của một TV 2D thông thường cùng cấu hình thì TV 3D thường đắt hơn đến 2 lần.
Nếu bạn đủ khả năng, việc mua TV 3D là không cần bàn cãi vì có khá nhiều TV 3D cho phép chuyển đổi nội dung 2D lên 3D, tuy hiệu ứng không tốt bằng 3D gốc nhưng nó vẫn có thể chấp nhận được. Hơn nữa, với xu thế 3D hóa của Hollywood thì các nội dung 3D gốc cũng sẽ sớm phổ biến.
Ngoài ra, trong trường hợp số tiền bỏ ra không cho phép, bạn có thể sử dụng các kính 3D 2 màu để xem trên TV thường, tất nhiên chất lượng sẽ kém hơn và dễ gây nhức đầu hơn. Ta cũng có một lựa chọn khác là máy chiếu 3D, điều mà mình đã đề cập tới trong bài viết này
Chọn đúng kích thước màn hình
Hãy chọn chiếc TV có kích thước mà bạn cần, đừng chọn theo giá hay những nhân tố khác. Nếu mua một chiếc TV nhỏ, không sớm thì muộn bạn sẽ cảm thấy khó chịu và phải đi mua một chiếc lớn hơn.
Lựa chọn giữa LCD và Plasma
Rất dễ để nhận ra sự khác biệt giữa LCD và Plasma, đặc biệt là về kích cỡ màn hình. Màn hình Plasma thường to hơn, hiệu ứng phim ảnh cũng thể hiện tốt hơn vì nó tái tạo màu đen gần như hoản hảo, xử lý các khung hình tốc độ cao cũng tốt hơn.
Trong khi đó, LCD lại nhỏ hơn và sáng hơn. Dù vậy, với thế hệ LCD mới sử dụng đèn nền LED (LED backlighting/LED backlit) có công nghệ làm tối cục bộ (local dimming) thì nhược điểm của LCD cũng được khắc phục rất tốt.
Xin hãy lưu ý rằng các TV LED backlit thường mắc tiền hơn rất nhiều so với LED viền (edgelit LED) mà một số hãng TV thường đánh đồng chung là LED vì mục đích quảng cáo. Và luôn nhớ rằng không có TV dân dụng nào là TV LED mà chỉ có TV đèn nền LED hay LED viền.
TV LED sử dụng các bóng đèn LED rất to mà bạn thường thấy tại các siêu thị, sân bay…. và chúng là những sản phẩm chuyên dụng để trưng bày, quảng bá sản phẩm. Do vậy, đừng ngạc nhiên khi biết về giá của TV LED đúng nghĩa so với LED giả tạo mà bạn nghe quảng cáo đầy thị trường.
Tiết kiệm điện
Đây là một trong những điểm nhấn chính của LCD so với Plasma khi mà công nghệ đầu tiên thường tiêu thụ ít điện năng hơn khá nhiều so với công nghệ thứ 2. Khi ra đời, các TV sử dụng LED backlit còn tiết kiệm hơn nhiều so với LCD truyền thống dùng đèn nền huỳnh quang CCFL.
Hãy quan sát những khung hình màu đen
Tại sao lại là màu đen? thật đơn giản vì chỉ những màn hình tốt nhất mới có thể trình diễn màu đen trung trực nhất, đây là nhân tố quan trọng để chứng tỏ màn hình có khả năng tái tạo màu sắc trung thực và độ tương phản tốt.
Màu da, quan trọng lắm đấy
Bạn có thích màu sắc trên chiếc TV mình đang xem hay không? Một trong những phương cách tốt nhất để kiểm tra là xem xét màu da của người trên màn hình, liệu chúng có giống với thực tế hay không, có thoải mái khi nhìn hay không?
Nếu bạn thích thú với một khung cảnh tươi sáng nào đó, hãy thử nhìn xem da người trong cảnh đó có giống như bị cháy nắng hay không, một điều rất hay xảy ra khi màn hình bị đẩy saturation lên quá cao.
Quan sát những hình ảnh động
Bạn hãy kiểm tra xem ở những cảnh hành động với tốc độ cao, những đường thẳng (ví dụ một tòa nhà cao tầng) có bị méo hay rung rinh không, có bị hiệu ứng moiré (mình không biết giải thích sao, nói nôm na là bị chồng ô lưới -người dịch) trên bề mặt vật thể hay không.
Những phim tốt nhất để kiểm tra là Mission Impossible 3 (điệp vụ bất khả thi 3 để test moiré) và The Dark Knight (kỹ sĩ bóng đêm để test khả năng hiển thị chi tiết khung cảnh, chuyển động nhanh và bóng tối)
Một số TV LED viền bị hiện tượng bóng của vật thể giữ nguyên trong khi vật thể đó vẫn di chuyển. Bạn cũng cần kiểm tra xem chi tiết có mờ đi khi vật thể chuyển động hay không.
Những cảnh tốc độ nhanh thế này là nơi mà Plasma tỏa sáng nhưng LCD cũng đã dần bất kịp với tốc độ quét khá cao 240Hz hay thậm chí là 480Hz so với chỉ 60 và 120Hz của vài năm trước.
Tất nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất là đừng tin vào những có số marketing đó, tự mình thực hiện bài kiểm tra thôi!
Đưa TV về thiết lập mặc định, đừng để cửa hàng “lừa”!
Hầu hết các TV ở cửa hàng đều được thiết lập sao cho hiển thị tốt nhất ở môi trường đó, bạn nên yêu cầu người bán thiết lập lại (reset) tất cả các thông số của TV từ đầu để kiểm tra chúng trong môi trường thực tế.
Trong thực tế, các TV ở cửa hàng đều được thiết lập độ sáng (brightness) cao hơn rất nhiều vì khách hàng thường bị hấp dẫn bởi những hình ảnh sáng hơn là tốn. Tuy nhiên khi về nhà, độ sáng kia sẽ rất khó chịu vì nó làm hình ảnh chói hơn rất nhiều.
Cố gắng thực hiện nhiều bài kiểm tra càng tốt
Nếu cửa hàng cho phép, bạn hãy mang theo chiếc đĩa DVD hoặc Bluray của riêng mình và tự tay thử nghiệm chúng trên chiếc TV cần mua. Trên thị trường có rất nhiều đĩa thử TV mà bạn có thể tự mua một cách dễ dàng, các phép thử trên cho phép người dùng nhận thấy điểm mạnh và điểm yếu của một chiếc TV.
Đặc biệt hơn, hãy nhớ mang theo những đĩa có chứa nhiều cảnh trời tối và tránh những đĩa phim hoạt hình, games hay phim dựng từ máy vi tính vì chúng quá hoàn hảo, không thể hiện được hết khả năng của một TV.
Một đĩa DVD vẫn còn rất cần thiết vì nó sẽ cho phép chứng ta thấy TV trình diễn nội dung độ phân giải thường như thế nào, rất quan trọng vì hầu hết các kênh truyền hình vẫn còn ở độ phân giải này, không đẹp và sắc nét như HD.
Với một số TV hỗ trợ thẻ nhớ thì bạn chỉ cần mang thẻ là được, thậm chí là máy quay, máy vi tính hay điện thoại và kết nối với TV thông qua cổng HDMI.
Xem xét các thiết lập sẵn (presets)
Hầu hết các TV đều có những chế độ được nhà sản xuất thiết lập sẵn tối ưu hóa cho game, thể thao hay phim…. Hãy xem các preset đó có phù hợp với mình không và phải chắc chắn TV cho phép tạo preset mới trong trường hợp bạn không thích preset của nhà sản xuất.
Càng nhiều kết nối càng tốt
Trong tiêu chuẩn hiện tại thì 3-4 cổng HDMI là đủ, một để kết nối với set top box, 1 với đầu đĩa Bluray, 1 với máy tính hay máy chơi game và 1 cho các thiết bị mạng.
Hãy chắc chắn bạn dư cổng để dùng sau này nhé. Bạn có thể tìm hiểu thêm về HDMI 1.4 tại đây, HDMI 1.4 là yêu cầu tốt nhất để chơi 3D hoàn hảo.
Đừng tốn nhiều tiền vào cáp
Hãy tránh việc mua tất cả ở cửa hàng, một sợi cáp tốt khoảng 12$ (giá ở Mỹ) trên mạng cũng có thể hoạt động tốt như một sợi cáp 120$ ở cửa hàng. Hãy chọn loại cáp phù hợp và dùng số tiền dư để nâng cấp đầu Bluray hay các dịch vụ truyền hình lên HD.
Suy nghĩ về những điều phiền toái khi sử dụng trong một thời gian dài:
Thời gian bạn sử dụng chiếc TV của mình không phải là ngắn, do vậy hãy làm người cầu toàn ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên.
Chẳng hạn, bạn hãy suy nghĩ xem liệu chiếc remote có dễ dùng, có dễ bấm không, liệu nó có thể điều khiển các thiết bị khác của cùng hãng hay không, hay chất lượng âm thanh từ loa của TV thế nào, có dễ gắn cáp vào nó không…..
Những điều tưởng như nhỏ nhặt thế này sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian nếu không để ý từ đầu đấy.