Có rất nhiều những cổ phiếu được các nhà đầu tư nhắc mãi vì tạo ra khá nhiều cảm xúc trong năm 2020.
Năm 2020 sàn giao dịch chứng khoán chứng kiến nhiều mã cổ phiếu tăng sốc – giảm sâu. Có những cổ phiếu được các nhà đầu tư nhắc mãi vì tạo ra khá nhiều cảm xúc, nhưng cũng có những mã cổ phiếu dù tăng sốc, vẫn không gây được ấn tượng cho các nhà đầu tư.
Quán quân tăng trưởng thuộc về 1 cổ phiếu tăng 27 lần
Nửa năm trước, tháng 6/2020 ThaiHoldings đưa 53,9 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cổ phiếu.
Ngay khi lên sàn cổ phiếu THD của ThaiHoldings đã tạo dấu ấn với các nhà đầu tư khi tăng trần 17 phiên liên tiếp, và đưa giá lên mức 95.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch thứ 18 trên sàn – gấp 6 lần giá chào sàn chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Tuy vậy thanh khoản cổ phiếu này không cao, đặc biệt những phiên tăng trần trước đó hầu hết chỉ có lượng nhỏ cổ phiếu khớp lệnh.
Ngay sau khi đạt vùng giá cao, thanh khoản cổ phiếu THD đã cải thiện rõ rệt với hàng ngàn, chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. THD tăng mạnh nhất lên 133.100 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/12/2020.
ThaiHoldings được nhắc đến không chỉ do giá cổ phiếu biến động mạnh trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư còn biết đến ThaiHoldings qua “ông chủ” nổi tiếng với cái tên quen thuộc: Bầu Thụy.
Mới đây Thaiholdings phát hành hơn 296 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên gấp 6,6 lần ban đầu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.960 tỷ đồng. Số tiền huy động được sẽ dùng để mua cổ phần Thaigroup từ 9 cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Đức Thụy, cổ đông lớn duy nhất của công ty.
Sau phát hành, giá cổ phiếu THD đã được điều chỉnh theo quy định. Tuy nhiên, ngay lập tức THD đã tăng mạnh và đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 115.000 đồng/cổ phiếu – gấp khoảng 27 lần so với giá chào sàn (đã được điều chỉnh).
Về kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 1.155 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 70 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2020 TháiHoldings còn 135 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Vốn chủ sở hữu đạt 679 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 539 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 1.672 tỷ đồng, tăng 822 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả 993 tỷ đồng, tăng 747 tỷ đồng.
Cổ phiếu GAB tăng 12 lần từ đầu năm – bé hạt tiêu lên tiếng
Nếu như nhắc lại năm 2019, nhà đầu tư vẫn còn nhớ quán quân tăng trưởng của một cổ phiếu thuộc về một cái tên khá xa lạ – cổ phiếu VNX của CTCP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinaxad).
Thì năm nay, một cái tên khác được gọi lên – cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC – nếu tính theo vốn điều lệ thì đây đúng là “hiện tượng bé hạt tiêu”.
CTCP GAB (Global Asset Business) là doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 138 tỷ đồng. Công ty đưa cổ phiếu lên sàn từ tháng 7/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu.
Sau 3 phiên đầu tiên tăng trần, GAB lại có chuỗi giảm sàn, thậm chí đưa cổ phiếu về dưới mệnh giá. GAB giữ mức giá tăng/giảm đều trong mấy tháng liên tiếp sau đó.
Cổ phiếu GAB bắt đầu đột biến tăng từ 19/12/2019 đánh dấu bằng chuỗi dài các phiên tăng trần liên tiếp – đó là kịch bản của giai đoạn cuối năm 2019.
Nếu tính từ đầu năm 2020, cổ phiếu GAB mở đầu bằng chuỗi 4 phiên tăng trần liên tiếp, xét giá mở cửa đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cổ phiếu, thì chỉ 1 tháng sau đó, hết tháng 1/2020 cổ phiếu GAB đã lên mức 44.200 đồng/cổ phiếu – gấp 2,7 lần.
Đà tăng của GAB vẫn không bị chặn lại, hiện GAB đã tiệm cận mức giá 200.000 đồng. Trên thực tế, hiện GAB đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 196.800 đồng/cổ phiếu, gấp 12 lần thời điểm đầu năm.
Về cơ cấu cổ đông, hiện tỷ phú Trịnh Văn Quyết đang năm giữ 51,09% vốn điều lệ công ty. Kết quả kinh doanh của GAB, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt gần 262 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt chưa đến 1 tỷ đồng, kém xa so với số lãi hơn 11,7 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Chủ đề xuyên suốt nửa đầu năm qua của GAB là việc phát hành cổ phiếu nhằm sáp nhập FLC Faros. Tuy nhiên, việc phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gấp 5 lần này đã được công ty công bố không tiếp tục thực hiện.
Trên thị trường, cổ phiếu GAB vẫn duy trì giá cao, thanh khoản ổn định, thuộc TOP các cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu khu công nghiệp tăng mạnh
Trong năm 2020 nhiều cổ phiếu ngành khu công nghiệp tăng mạnh, Cổ phiếu NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên là điển hình nhất. Những ngày cuối năm 2020 Nam Tân Uyên đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 60%.
Đồng thời công ty cũng chốt danh sách cổ đông phát hành 8 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 50%. Sau phát hành Nam Tân Uyên tăng vốn điều lệ lên gần 240 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu NTC trước khi tăng vốn cũng duy trì ở mức cao 160-170 ngàn đồng/cổ phiếu. Sau khi điều chỉnh giá do tăng vốn, cổ phiếu NTC lại một lần nữa tăng mạnh, đặc biệt từ đầu tháng 11 đến nay.
Hiện NTC đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 286.600 đồng/cổ phiếu – trở lại là cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt xa cổ phiếu đứng thứ 2 là VCF.
Trước đó Nam Tân Uyên đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 với doanh thu thuần đạt 195 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 239 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và đã vượt 35% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Không chỉ NTC, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng đã tăng gấp đôi từ đầu năm 2020 đến nay. Hiện SIP đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 ở mức 174.900 đồng/cổ phiếu, trong đó giá cổ phiếu SIP bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 11 đến nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cổ phiếu SIP tăng, là kết quả kinh doanh thuận lợi với doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 3.417 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế đạt 676 tỷ đồng, tăng trưởng 62,5% so với 9 tháng đầu năm ngoái và vượt đến 181% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Trong đó đáng chú ý, riêng doanh thu tài chính đã mang về 402 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Ngoài ra, ngành khu công nghiệp Việt Nam năm 2020 cũng đang “đón sóng” dịch chuyển trên toàn thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chiến tranh thương mại.
Loạt cổ phiếu cùng ngành khác cũng tăng mạnh như VRG của CTCP Phát triển KCN Cao su Việt Nam, TIP của KCN Tín Nghĩa, như IDC, như MH3, như IDV…
Doanh nghiệp ngành chứng khoán – Chứng khoán VIX (VIX) bất ngờ tăng mạnh khoảng nửa năm trở lại đây sau thời gian dài duy trì giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu. VIX bắt đầu đà tăng giá từ đầu tháng 7/2020 và vượt lên trên mệnh giá từ cuối tháng 8.
Hiện VIX đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên HNX ngày 28/12/2020 ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu – hơn gấp 4 lần thời điểm đầu năm. Chứng khoán VIX cũng đã được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên HoSE, và sẽ giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE vào ngày 8/1/2021 tới đây.
Kết quả kinh doanh, Chứng khoán VIX báo lãi sau thuế 196 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 93% so với cùng kỳ và vượt 144% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Cổ phiếu ngành sắt thép, HSG của Tập đoàn Hoa Sen đạt mức tăng gấp 3 lần từ đầu năm 2020, hiện giao dịch quanh mức 22.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản nhiều phiên lên đến hàng chục triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Một trong những “nhân tố” giúp thanh khoản cổ phiếu HSG lớn là việc lãnh đạo công ty – ông Lê Phước Vũ – cùng các công ty riêng do ông quản lý liên tục mua – bán lượng lớn cổ phiếu.
Không chỉ HSG, mà các cổ phiếu ngành thép khác cũng bất ngờ tăng mạnh trong năm 2020 như HPG của Tập đoàn Hòa Phát, TLH của Thép Tiến Lên, POM của Thép Pomina, NKG của Thép Nam Kim.
Ngành cao su, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) đã bứt phá ngoạn mục từ quanh vùng mệnh giá lên 30.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối năm 2020.
Đáng chú ý, thanh khoản tăng đột biến, từ những phiên không có cổ phiếu khớp lệnh hồi đầu năm, đến nay là hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Một trong những nguyên nhân khiến GVR tăng mạnh về giá và khối lượng cổ phiếu giao dịch, là công ty đã chuyển sàn từ Upcom sang niêm yết trên HoSE từ tháng 3/2020. Bên cạnh đó công ty cũng đang tích cực thoái vốn tại các đơn vị thành viên.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng thuận lợi với số lãi sau thuế 1.191 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng lãi 9 tháng đầu năm lên 2.033 tỷ đồng – kết quả này vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành bán lẻ kỹ thuật số, cổ phiếu DGW đạt mức tăng gần gấp 4 lần thời điểm đầu năm, hiện đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 mức 85.700 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2020 công ty đạt hơn 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng mới chỉ hoàn thành 57% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Trong năm 2020, một số nhà đầu tư cũng không thể quên “hiện tượng” cổ phiếu MTA của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco). Suốt một thời gian dài MTA duy trì giao dịch với giá trà đá chưa đến 2 ngàn đồng, thanh khoản èo uột có khi cả tháng không có cổ phiếu khớp lệnh.
Bắt đầu từ tháng 5/2020 thanh khoản MTA bỗng tăng đột biến, có những phiên hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh. Giá cổ phiếu cũng vì thế mà tăng mạnh, có lúc đã lên sát mệnh giá, ở mức 9.500 đồng/cổ phiếu, gấp 9 lần thời điểm đầu năm. Mitraco là doanh nghiệp sở hữu hệ thống nhiều đơn vị thành viên như Chăn nuôi Mitraco, Cảng Việt Lào, Sắt Thạch Khê…
Khép lại năm 2020
Năm 2020 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc đến với các nhà đầu tư. Năm 2021 cũng dự đoán có nhiều “sóng gió” khi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn lan rộng khắp Thế giới. Năm 2021 cũng hứa hẹn sẽ lại có những bước đột phá của các cổ phiếu khiến các nhà đầu tư bất ngờ.
Theo Thạch Lâm
Doanh nghiệp và Tiếp thị